Tham Group 'Cửa Lò Reviews' trên Facebook để được quảng cáo MIỄN PHÍ trên website dulichcualo.vn.
THAM GIA GROUP CỬA LÒ REVIEWS
Ngày 5-6-1907, toàn quyền Đông Dương ký quyết định lấy đất xây dựng nhà nghỉ dưỡng du lịch đầu tiên ở bãi biển Cửa Lò. Ngày 29-8-1994, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 113-CP thành lập Thị xã Cửa Lò có địa bàn dọc theo bờ biển hướng Bắc Nam từ Cửa Lò đến Cửa Hội. Địa bàn Thị xã Cửa Lò ngày nay đã được Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí khai dựng ra từ thế kỷ XV có độ tuổi thời gian gần 600 năm rồi.
Theo Lebreton viết trong tác phẩm An Tĩnh cổ lục, thì vào đầu thế kỷ XV Cửa Lò chưa có, ngọn núi nằm từ đường cái quan đến Cửa Lò hồi đó là một hòn đảo mà hai dòng chảy của sông Cấm lượn quanh bắt đầu từ làng Đò Cấm (gần ga Cầu Cấm). Nhánh Bắc của sông vẫn giữ nguyên cho đến ngày nay. Nhánh Nam hình thành Cửa Xá, ngày nay hầu như đã bị cát bồi lấp hoàn toàn… Nguyễn Xí đã cấp lãnh địa từ miền duyên hải nằm giữa Cửa Lò và Cửa Hội (Hội Thống) ngày nay. Trong các đầm phá này có Bàu Ó, cái bàu mà theo dư địa chí gọi là hồ nước biển. Dọc theo Bàu Ó, Nguyễn Xí lập làng Bàu Ó, mà đất đai thì do một đám tù binh người Tàu do Nguyễn Xí bắt được trong các cuộc chiến tranh ở An Tĩnh (1418-1428) khai khẩn.
Trên những đầm phá khác, Nguyễn Xí lập ra nhiều làng. Đất đai mới nổi lên đều do những người Champa khai khẩn. Những người này do Nguyễn Xí bắt được trong các cuộc đánh nhau với Champa năm Thái Hòa thứ 3 đời Nhân Tôn, tức năm Ất Sửu (1445).
Các thủ lĩnh Champa bị bắt làm tù binh là Chế Hiệp, Chế Lâu, Chế Đá, Nguyễn Xí bèn cử họ làm Thủ chỉ “Hội đồng kỳ hào” của những làng mới lập.
Con trai cả Nguyễn Xí là Nguyễn Sư Hồi được ban cấp đầm phá cây Bàng trên miền đất mới bồi đắp này, các làng Vạn Lộc, Tân Lộc được hình thành…
… Việc nghiên cứu gia phả họ Nguyễn Thượng Xá và các sự tích của những làng xã ven biển của huyện Nghi Lộc cho chúng ta biết rằng đường bờ biển ngày nay cách đường bờ biển ở thế kỷ XV gần 2 cây số về phía đông(1).
Tháng 10 năm 1460, trong dịp xét thưởng công lao chung cho các quần thần, Đức tổ ta lại được phong tước Nhập Nội Hữu tướng quốc, Sái Quận công. Sau đó, còn được phong chức Thái úy. Thân phụ của Ngài cũng được truy tặng: Thái Bảo Đình Quận công. Thân mẫu thì được truy tặng Quận phu nhân. Với công lao to lớn, Nguyễn Xí được nhà Vua ban thưởng lộc điền hơn 5.000 mẫu, nằm rải rác ở khắp nhiều huyện phủ thuộc tỉnh Nghệ An và một số tỉnh ở phía Bắc. Trước đó, Đức tổ ta đã bỏ tiền tạu 300 mẫu ruộng ở Đồng Sồ (tức Phú Ích, Nghi Phong ngày nay), để tâu xin Vua cho các hàng tướng người Minh là Nguyễn Sĩ, Nguyễn Tiềm và hàng binh của họ về đó làm ăn.
Ngài cũng tạu thêm 200 mẫu ruộng ở Bàu Ổ (thuộc xã Nghi Hương ngày nay) và tâu xin cho các hàng tướng người Chiêm Thành là Chế Hiệp, Chế Lân, Chế Đá về đó sinh sống. Đức tổ ta còn chăm lo cuộc sống của những người hàng binh này và từng bước chuyển họ từ thân phận những hàng binh bị bắt làm nô lệ thành những công dân nước Việt. Về sau, trong đại gia tộc thuộc con cháu của Ngài, ngoài các chi họ vốn là con cháu đích thực, còn có 3 chi họ gọi là dưỡng tử (con nuôi), chính là con cháu số người Việt gốc Minh, gốc Chiêm đã được đức tổ ta thương yêu đùm bọc, cảm hóa. Để phát triển cuộc sống nhân dân trong vùng ở quê nhà, Đức tổ ta còn cưới chợ Sơn tại làng Long Trảo, xóm Kỳ Sơn, thuộc xã Nghi Khánh bây giờ. Trải hơn 500 năm, chợ Sơn đã xê dịch nhiều nơi, nay thì thuộc đất làng Xuân Đình, xã Nghi Thạch, vẫn là chợ lớn nhất trong huyện Nghi Lộc và của cả tỉnh Nghệ An.(2).
Như vậy, Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí là người có công lao đầu tiên khai phá, xây dựng một vùng đang hoang sơ, dần dần trở thành một vùng quê trù phú, đông vui.
Quá trình biến đổi từ một vùng quê đang trong trạng thái hoang sơ trở thành một Thị xã Cửa Lò hiện đại, sầm uất, văn minh, đậm đà sắc thái biển là một quá trình phát triển trong xu thế đi lên, để lại những dấu ấn lịch sử đẹp đẽ, khó quên bởi khí phách kiên cường và trí tuệ mẫn tiệp của các thế hệ tiền nhân, mà người đặt nền móng quan trọng đầu tiên là Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí.
Đến hết thế kỷ XIX, Cửa Lò chưa phải là nơi nghỉ mát tắm biển thực sự quan trọng trong đời sống của cư dân địa phương. Cuộc xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp và liền sau đó là chính sách khai thác thuộc địa của chúng đã làm thay đổi kết cấu cộng đồng dân cư một số vùng, trong đó có Vinh – Bến Thủy, rồi Cửa Lò.
Ngày 20-7-1885, Đại tá Sô Mông chỉ huy 188 tên lính viễn chinh Pháp đã đổ bộ lên Bến Thủy. Sau mấy phát đại bác đã hạ xong Thành Nghệ An và sau đó hơn 10 năm khi ngọn cờ phấn nghĩa của phong trào Cần Vương khuất bóng trên nóc các đình làng, ý chí kiên cường độc lập của nhân dân bị nhấn chìm trong máu và lửa, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 -1914).
Tác động của cuộc khai thác này không chỉ làm thay đổi cơ cấu hành chính, mà chủ yếu làm thay đổi cơ cấu kinh tế xã hội, biểu hiện trước tiên trên lãnh thổ Nghệ An là chúng ta đã đầu tư xây dựng một số hạ tầng cơ sở, rồi trung tâm công nghiệp Vinh – Bến Thủy ra đời. Sự phát triển kinh tế và thay đổi cơ cấu xã hội ở Vinh – Bến Thủy đã tác động mạnh mẽ đến Cửa Lò.
Nắng, gió, khí hậu mùa hè khắc nghiệt của xứ Nghệ tất yếu làm nảy sinh nhu cầu nghỉ mát, tắm biển, nghỉ dưỡng cuối tuần của người Pháp và viên chức cao cấp người Việt ở Vinh – Bến Thủy là lý do chủ yếu để người Pháp chọn Cửa Lò làm nơi xây dựng khu nghỉ mát, du lịch. Ngày 5-6-1907, toàn quyền Đông Dương ký quyết định lấy đất để xây dựng nhà nghỉ dưỡng, du lịch đầu tiên ở bãi biển Cửa Lò là hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của lịch sử.
Lúc bấy giờ, khu nhà nghỉ của người Pháp được xây dựng từ bãi biển Lan Châu tiến lên phía Bắc khoảng 1km thuộc làng Mai Thủy và Yên Lương (nay thuộc phường Nghi Thủy, Thị xã Cửa Lò) có khoảng trên 10 nhà nghỉ, khách sạn.
Gần 20 năm sau, năm 1936, Bảo Đại một vị vua đã có lầu hóng mát ở bãi biển Nha Trang và thành phố Đà Lạt, nhưng vẫn cho xây dựng một tòa nhà trên đảo Lan Châu để nghỉ dưỡng. Chính Vua Bảo Đại đã đưa giống cúc biển từ nước ngoài di thực về đây thành công, tạo thêm sắc màu cho một đô thị biển. Đường lên đảo Lan Châu cũng đã được xây dựng.
Toàn bộ cơ sở nghỉ mát, du lịch ở Cửa Lò xây dựng dưới thời Pháp thuộc đều bị phá hủy trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp hòng tái chiếm nước ta 1946-1954.
Sau khi hòa bình được lập lại trên toàn miền Bắc (7/1954), Nhà nước ta mới đầu tư xây dựng một số nhà nghỉ mát, nghỉ dưỡng. Đến ngày 4-4-1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 37-HĐBT thành lập thị trấn cảng và du lịch Cửa Lò.
Hơn 8 năm sau, ngày 29-8-1994, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 113-CP thành lập Thị xã Cửa Lò.
Suốt mấy thế kỷ qua, Cửa Lò căn bản vẫn là những làng chài và các xóm nông thôn nghèo nàn, lạc hậu, các tiềm năng thế mạnh của Cửa Lò chưa được khai thác, phát huy một cách tích cực. Chỉ từ khi Thị xã Cửa Lò được thành lập trực thuộc tỉnh Nghệ An, thì sự phát triển bắt đầu có sự phát triển mạnh mẽ, chỉ sau 16 năm (1994-2010), Cửa Lò thực sự đã trở thành một đô thị biển sầm uất, hấp dẫn nhiều khách trong và ngoài nước đến du lịch, nghỉ dưỡng, được tổ chức Du lịch thế giới (WTO) đánh giá: “Đó là nơi thích hợp cho du lịch văn hóa và du lịch phiêu lưu cũng như du lịch sở thích đặc biệt”.
So với các khu du lịch, nghỉ dưỡng trong cả nước, tuy có muộn màng, nhưng có người đã ví Cửa Lò như một nàng công chúa ngủ say trên bờ biển Đông lộng gió, đến khi tỉnh giấc thì vươn vai nhanh chóng trở thành một mỹ nhân được mọi người chiêm ngưỡng đầy ái mộ.
Hàng năm, UBND Thị xã Cửa Lò đều tổ chức long trọng ngày hội khai trương mùa du lịch biển Cửa Lò.
Nhân dân ta có đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, trân trọng đề nghị UBND Thị xã Cửa Lò nên quảng bá rộng rãi Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí, người có công đầu tiên khai dựng ra vùng đất Cửa Lò.
(1) LeBreton, An Tĩnh cổ lục. Nhà xuất bản Nghệ An, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây -2005, trang 98, 99, 102.
(2) Cương Quốc Công Nguyễn Xí, tộc phả, di huấn, phụ lục, Quý Dậu (1993), trang 11, 12.
(Theo Báo Nghệ An)