Tham Group 'Cửa Lò Reviews' trên Facebook để được quảng cáo MIỄN PHÍ trên website dulichcualo.vn.
THAM GIA GROUP CỬA LÒ REVIEWS
Cửa Lò là một bãi biển đẹp, là danh lam thắng cảnh mang tính đặc trưng của Nghệ An. Ai đã một lần đến Cửa Lò, đều thầm cảm ơn sự ban tặng của tạo hoá đối với nơi đây.
Song ít ai biết rằng, để có một vùng cửa biển đẹp và trù phú như hôm nay, chính là nhờ công lao của một vị tướng công họ Phùng, người sau này được triều đình phong kiến truy tặng Đô đốc Thượng tướng quân và sắc cho dân làng và con cháu lập đền thờ phụng…
Cách bãi biển Cửa Lò không xa là một nơi tĩnh lặng và đầy thâm nghiêm, đó là khu lăng mộ và đền thờ Đô đốc Thượng tướng quân Phùng Phúc Kiều – nằm trên địa phận xóm Hoà Đình, phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Đền thờ Phùng Phúc Kiều (thường gọi là “Phùng từ đường”) ban đầu được xây dựng trên khu đất “làng sau”, thuộc xóm Đại Thống, phường Nghi Thu. Trải qua thời gian, dưới tác động của thiên nhiên, con người và chiến tranh, đền thờ đã bị hư hỏng nặng. Tới mùa xuân năm 1999, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, con cháu dòng tộc họ Phùng đã chuyển đền thờ của ông về đây.
Đối với người dân Nghi Thu (một phường trung tâm của Cửa Lò), đền thờ Phùng tướng công không chỉ là niềm tôn kính đối với con cháu họ Phùng, mà với cả những người dân trong toàn thị xã Cửa Lò, ai ai cũng ý thức được công trạng của Phùng tướng công đối với việc khai hoang và biến Cửa Lò trở thành một địa danh nổi tiếng như hôm nay…
Sử sách ghi rằng, Phùng Phúc Kiều sinh năm 1724, xuất thân trong một gia đình có truyền thống công hầu kế thế. Tiếp nối truyền thống dòng họ Phùng, như cụ tổ Thái uý Phùng Tá; Chu Thái phó Phùng Sỹ Chu đã có công lao với nhà Trần; hoặc như Tứ quận công Phùng Quang Lộc – một dũng tướng nổi tiếng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, khôi phục và phát triển triều Lê… Ngay từ thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng là người thông minh, tháo vát, nhanh nhẹn, tinh thông binh pháp, cao cường về võ nghệ. Năm 1741, ông thi đậu loại nhất trong kỳ thi Bác Cử. Tới năm 1742, ông được tuyển dụng vào đội thuỷ quân ưu binh thuộc đạo Đông Nam với chức Đốc quan. Năm 1753, ông được giao chỉ huy đạo quân thuỷ chiến trấn giữ vùng biển Nghệ An, giữ chức Khả vi trung tướng quân.
Là một võ quan của triều đình, nhưng Phùng Phúc Kiều lại có một tấm lòng nhân đức thương dân. Nhờ vậy, ông luôn giành trọn niềm kính trọng của quân sĩ và nhân dân địa phương. Trước công trạng của Phùng Phúc Kiều, năm 1764, ông được triều đình phong làm Đô trung hầu, giao toàn quyền thống lãnh thuỷ quân ưu binh, trấn giữ cả một vùng biển miền Trung, từ Thanh Hoá, đến Hà Tĩnh.
Không chỉ chăm lo việc quân, giữ yên một vùng bờ cõi, mà ngay từ những năm đầu nhậm chức, Phùng Phúc Kiều đã ý thức được việc “yên dân” phải làm từ gốc. Tức là, phải chăm lo đến cuộc sống của nhân dân, giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhân dân mở mang, phát triển sản xuất. Vì thế, ông là người đi đầu trong việc khai hoang, chiêu dân, lập ấp. Những năm sau này, khi thiên hạ thái bình, Phùng Phúc Kiều đã viết sớ tấu lên triều đình tiếp tục sự nghiệp khẩn hoang, mở mang bờ cõi. Dưới sự chỉ đạo của ông, cả một vùng đất trũng, lỗ chỗ những gò, mô đã trở thành những bãi đất trồng trọt, có mương thông nước, có bờ chắn sóng biển. Ông còn có công đưa cây dâu từ Nam Đàn về trồng trên đất Cửa Lò… Và thế là, công sức của ông đã được đền đáp khi ngày một nhiều người dân đến an cư lạc nghiệp trên những vùng đất do ông khai phá. Ngày 17-2-1790, Phùng Phúc Kiều qua đời ngay trên mảnh đất ông đã đổ bao mồ hôi công sức gây dựng. Thương tiếc, và cũng tỏ lòng ghi nhận công lao của ông, triều đình đã truy tặng Phùng Phúc Kiều chức Đô đốc Thượng tướng quân và sắc cho dân làng, con cháu lập đền thờ phụng.
Trải qua hơn một trăm năm, cứ vào dịp giỗ tướng công họ Phùng, dân làng Nghi Thu và con cháu tướng công đều kính cẩn tổ chức tế lễ với nghi thức truyền thống xưa. Điều đáng mừng việc tế lễ tướng công đã được duy trì hàng năm, nhất là những năm gần đây, thu hút khá đông các tầng lớp nhân dân đến tham dự. Nếu có dịp đến với Cửa Lò, xin mời bạn hãy tìm đến khu lăng mộ và đền thờ tướng công Phùng Phúc Kiều tại xóm Hoà Đình, phường Nghi Thu để hướng lòng thành tâm trước bài vị của người đã có công gây dựng, khai phá một vùng cửa biển đẹp của đất nước. Mặc dù mới được xây dựng lại trên nền đất rộng trên 200 m2, song Đền thờ tướng công họ Phùng vẫn được thiết kế theo lối truyền thống, gồm 3 toà: Thượng, Trung và Hạ điện, cấu trúc theo hình chữ Tam.
Trong đền vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý như gia phả, sắc phong, câu đối, đại tự, lư hương, long ngai bài vị của các vị thần tổ và nhiều đồ tế khí khác. Chắc chắn, những hiện vật này sẽ giúp những ai yêu đất nước, yêu Cửa Lò có dịp tìm hiểu hơn nét đẹp văn hoá sứ Nghệ và từ đó càng yêu mến, gìn giữ những giá trị văn hoá vật thê cũng như phi vật thể trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(Nguồn Sưu tầm)